11 tháng 10, 2009

01.

1.
Cloudless Sky


...Đó là một ngày đầu thu mát lành,
...mà cũng có thể ngay cái lúc tám năm về trước,
...trong những bức tranh tĩnh lặng của mình, tôi nhận ra luôn có sự xao động của gió.


~


Vào năm chín tuổi, tôi bắt đầu chuyển sở thích từ màu gỗ sang màu nước.

Ừ, thì cái thời thơ ấu ấy mà, hội họa là niềm đam mê của tôi. Tôi thích vẽ, nhưng khác với chúng bạn cùng lứa, tôi chẳng mảy may quan tâm đến những vật thể có sự vận động trên trái đất này. Nghĩa là tôi không thích chim muông, không yêu thú rừng, chẳng hề ưa con người trong tranh vẽ. Tôi thích ánh trăng, vầng dương soi rọi, những buổi chiều tà lác lác mây trời, cánh đồng lúa vàng trong buổi ban mai đầy gió. Và người ta bảo rằng: “Cô gái bé nhỏ, vận động mới là sự sống, con người cấy cày, chim muông tung cánh trên bầu trời, thú rừng lao vun vút giữa rú rậm, cá luồn vào lòng khơi xa, đó mới là sự sống…”

Năm mười tuổi, tôi lại tiếp tục vẽ tranh. Vẫn lại những bức tranh về gió, về mây, về cây cỏ. Tôi không vẽ con người, không vẽ thú vật. Bạn biết đấy, người ta phải diễn đạt những điều mình yêu thích và có thể hiểu-bằng cách này hay cách khác ra giấy. Mà tôi thì chẳng thể hiểu con người với bộ mặt thật của họ. Chao ôi! Cái thế giới loài người này hỗn độn đến nhường nào. Một phần cũng bởi vì ông ngoại tôi. Vào lúc bé thơ-ý tôi là lúc tôi vẫn còn mập mờ giữa những câu chuyện thực và ảo, vẫn còn hy vọng những lời thỉnh cầu với thượng đế sẽ thành hiện thực, thì người đàn ông quan trọng nhất trong đời đặt xung quanh tôi cơ số gai nhọn đủ màu sắc, cung bậc từ cuộc sống, rồi dạy tôi phải chống lại chúng như thế nào. Vào cái tuổi mà con trẻ nên đọc chuyện cổ tich về loài người, thần thoại về sự huyền bí kì diệu, tôi lại được tặng những cuốn sách về cuộc sống thực tại, những rối ren đớn đau, sự mất mát, nỗi bi thương, sự tàn nhẫn khắc nghiệt của dòng chảy cuộc đời. Có lẽ người ông kì lạ của tôi cho rằng tôi cần chúng hơn là những niềm tin vô bổ và ngu ngốc vào thế giới không có thực mà nhân loại đã vẽ ra thật đẹp đẽ. Chúng tồn tại như một thế giới song song trong cuộc sống của những tâm hồn mới chập chững kiểm nghiệm cõi đời bằng gấu bông hay búp bê vải. Vâng, búp bê vải-tôi nhớ mình đã may cho chúng những bộ áo váy, nhưng chẳng hề bởi vì tôi yêu thích chúng, đơn giản, ở cái tuổi muốn chứng minh bản thân, tôi đã học mẹ may vá để một lúc nào đó sẽ ưỡn ngực kiêu hãnh khi chúng bạn trầm trồ tác phẩm nghệ thuật tinh xảo của mình.

Mùa thu năm mười một tuổi, tôi bước vào ngôi trường cấp hai-một trường khá nổi tiếng của thành phố. Những tháng đầu đông không có mẹ bên cạnh, tôi đã dành được học bổng. Có nên tự hào không nhỉ, lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng: “Ồ, ra mình học cũng chẳng đến nỗi nào!”. Vậy là bốn năm cấp hai huy hoàng với thành tích luôn đứng đầu lớp-tôi chán ngán đến buồn thảm, chẳng hiểu bởi mùa mưa rỉ rích ảm đạm hay chiếc giường quá lạnh. Tháng ngày đó tôi ở xa hai người tôi yêu thương nhất: ông ngoại và mẹ. Mỗi một ngày mưa đạp xe đến trường chân tôi ướt sũng nước. Tôi ghét mưa, ghét cái ão não nặng nề của nước mắt mà thượng đế nhỏ xuống nhân gian, tôi ghét cả Ngài, ngài mang đi người đàn ông của tôi, mang theo khóm hoa hồng trắng long lanh trong nắng, mang theo nụ cười dịu dàng đến mê mẩn, mang theo chiếc bóng bên thềm cửa to lớn, mang theo cả vẻ đẹp của mỗi đêm trăng lặng. Vậy là tôi bắt đầu vẽ màn đêm, những bức tranh về màu trời đục ngầu mùa đông, những cánh đồng lau héo úa, ráng chiều tư lự xua đuổi ánh tà dương.

Vào cái độ tuổi mà những cô bé xinh xắn chưng diện váy áo trong mỗi cuộc hẹn hò đầu đời, những cậu trai tuấn tú mỉm cười thân thiện, và họ vây xung quanh tôi, cười đùa với tôi, nói chuyện cùng tôi-à, cái việc nói chuyện ấy mà, thật ra là vì tôi luôn im lặng khi họ nói, có lẽ thế mà họ yêu thích tôi-tôi biết điều đó. Những cô cậu ngây thơ cùng sự lãng mạn của tuổi mới lớn, họ rung động, xao xuyến, hoài nghi, giận hờn, rồi rốt cuộc của những sự cảm tình ấy là nhu cầu thiết yếu một cuộc tâm sự nhỏ nhỏ, như để trút bỏ cõi lòng nặng nề. Ở cái tuổi ấy-mười bốn hay mười lăm-người ta thường không thể giữ quá nhiều cảm xúc trong tim, chẳng thể ôm khư khư chúng như những bà già đã quá tuổi thất tuần ôm khư khư những kỉ vật. Rồi vậy là chuyện gì đến cũng phải đến, tôi được chọn làm chỗ dựa tinh thần cho những kẻ lẻ loi đang chập chững bước đầu tiên trên con đường gian nan tìm kiếm một nửa còn lại của mình. Tôi hoàn thành sứ mệnh khá tốt, bằng chứng là số thuyết giả ngày càng đông. Họ kháo nhau rằng: “Cô gái kia, cô gái đấy, chính là cô gái thấu hiểu mọi trạng huống trên đời, cô ấy sẽ giúp bạn tìm lại chính mình…”. Thế là lúc những hoang mang vu vơ thơ thẩn hạ cánh xuống cánh đồng màu đỏ-cánh đồng trải dài trong lồng ngực những kẻ dò đường, họ lại tìm đến tôi, khẩn cầu tôi chỉ ra cho họ hướng đi chính xác. Vậy là tôi chỉ cho họ, nào là bản thân họ cần điều gì-tôi sẽ khiến họ thấy ra, nào là cuộc đời rồi chờ đón, ngóng trông gì ở họ-tôi sẽ làm họ mẫn ngộ, nào là thứ nhịp đập cuồn nhiệt trong tim họ dẫn đến hậu kết gì-tôi sẽ giúp họ giải quyết…Chính thế mà đừng bao giờ nhạc nhiên khi tôi có rất nhiều bạn bè, mà tất cả họ-có lẽ-đều yêu quý và khâm phục tôi, bởi sự cơ trí tinh tường, bởi những ngôn ngữ lắng đọng điều kì diệu của cuộc sống, bởi sự châm biếm ngọt ngào cái thế giới nghiệt ngã, và cả bởi cái khí chất khó hiểu toát ra từ bản thân tôi trong mỗi cuộc chuyện trò, mỗi lần tiếp xúc. Ồ, xin đừng hiểu lầm tôi cố tình bày vẽ cái kiểu cách đó với họ. Tôi chỉ đơn giản là sống với những gì của mình và mình cho là bình thường, ấy vậy, mà những con người cùng sinh vào một thời với tôi lại chẳng nghĩ thế. Họ thấy tôi cách biệt, khó nắm bắt, lại thấy tôi thông minh và ngộ nghĩnh. Họ nể tôi bởi tôi giỏi hơn họ trong cách phân biệt, nhận biết và xử lý cảm xúc-tất nhiên là chỉ của người khác! Nhưng như vậy là đủ, và họ cũng chỉ cần có thế.

Cái công cuộc sự nghiệp của tôi từ đó khởi sự với những mặn mà gian nan. Mặn mà vì nó-công việc yêu đương những kẻ trong cuộc khiến tôi phần nào thấu hiểu mọi tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống, rằng biến cố là một loại lệch dòng của bất cứ con nước nào chảy qua đời bạn, đôi khi nó dẫn đến bất ngờ nắng ấm sau khóm lau sậy chằng chịt, đôi khi nó dẫn ra biển cả mênh mông lạc lõng, đôi khi nó lại cứ chảy mãi một hướng theo những êm đềm bình lặng, ừ, bình lặng đến mức những con thuyền may mắn nằm trên dòng nước nọ bực mình ngúng nguẩy đòi rẻ hướng ra chốn xa. Rồi cái chốn ấy mở ra bầu trời rộng lớn, lôi kéo, cuốn hút họ. Nhưng hỡi ôi ban mai bình minh có đẹp đến đâu thì cũng có lúc tàn lặng, ngày phải lùi dần để đêm đến, và rồi khi chơ vơ giữa tứ bề tối tăm, giữa cơn nước chực trào xoáy, giữa miệng gió lạnh buốt chực đớp mồi, người ta lại tiếc rẻ cái thứ chính mình đã bỏ lại phía sau. Cứ thử nói với họ, rằng sống là phải bước về phía trước, phải dấn thân chấp nhận nghịch cảnh trong thời khắc này xem. Nếu còn thời gian để trò chuyện, hẳn bạn sẽ bị mắng té tát bởi cái tội giáo điều đến ngu xuẩn. Ô hay, nhưng hãy nhớ lại xem, là tôi muốn nói bạn ấy-không phải họ, chính con người đang mắng bạn trước đây đã nói lý lẽ ấy khi bạn ngăn cản họ ra đi, thì bởi vì rằng họ sẽ chẳng nhớ mình đã nói thế đâu, sự lãng quên là một thói quen của những kẻ tiên phong và nhiệt huyết, kí ức-nó có giúp gì được cho những anh hùng trong con đường vinh quang của mình, có chăng thì cũng là cái thứ cảm giác đáng nhớ khi ngồi nhấm nháp vô vàn của lạ trên chốn cao mà không có việc gì khác để làm, bạn biết đấy, một khi bao tử hoạt động quá nhiều, dẫn đến việc nới rộng thêm những chiếc áo, người ta sẽ phần nào hồi tưởng lại sắc vóc xưa kia của mình.

Thế đấy, sự nghiệp của tôi thật đáng để chiêm ngưỡng ở góc nhìn trong khe hẻm của gã ăn mày lên ánh trăng lộng lẫy, ở những nơi càng ít ánh sáng, người ta càng thấy ánh sáng mới cao ngạo xinh đẹp làm sao. Nhưng công việc nào rồi cũng có ít nhiều gian truân của nó.

Mùa hè năm mười sáu tuổi, tôi đậu vào trường chuyên của thành phố. Điều đó chẳng có gì đáng ngạc nhiên, với mẹ tôi, với những người ruột thịt, với những họ hàng gần xa, và với cả tôi. Rồi tôi may áo dài để đi học. Nhưng tôi không thích nó, bạn biết đấy, loại trang phục thướt tha và nữ tính này nói lên sự gò bó của từng sợi vải, và cho dù những người thợ may lành nghề, mẹ tôi, kể cả những kẻ qua đường trong giây lát, đều xuýt xoa khi tôi khoát chúng lên người, tôi vẫn thấy thật tẻ nhạt. Có gì đáng phấn khích khi trông trở nên nhu mì trong thứ áo quần luộm thuộm này. Sự dịu dàng-nó đồng nghĩa với yếu đuối và dễ vỡ. Với thân người của mình, tôi thích những chiếc quần ống thẳng và áo phông, chúng trông càng tuyệt khi đi với một đôi bata trắng. Ồ, nhưng hãy bỏ qua chuyện đó đi, tôi đang nói về những gian nan của cái công việc đáng ngưỡng mộ kia mà. Đúng vậy, tôi đã gặp chút ít khó khăn trong sự nghiệp của mình, như khi ai đó chợt vấp ngã trên đôi giày trệt giữa một chiều nắng ấm, cú ngã nhẹ thôi, bởi người bị ngã không sợ đau, cũng chẳng cần ai đó băng dùm vết thương. Tôi không thấy điều này kì lạ, ý tôi là việc tôi không ghét cảm giác va chạm của dao kéo vào da thịt, và muốn tự bản thân làm lành những đường cắt. Nhưng mọi người quanh tôi, họ sẽ hét toáng lên hoặc vồ lấy tôi để đưa ngay đến một nơi nào đó khả dĩ có những con người làm công việc dễ ợt này với cơ số bằng cấp xanh đỏ. Trong khi đó, chỉ cần hai hay năm phút để đối phó với bông băng và thuốc sát trùng, chúng có thể sẽ để lại vài vết tích nho nhỏ-những thứ mà mẹ tôi cùng một vài động vật giống cái khác đau đớn khổ sở khi trông thấy trên da thịt mình. Phải, tôi là loại người chẳng hề bị những thương tổn bé tí ấy làm cho mệt mỏi. Cũng như lúc này, khi đang làm tốt nhất công việc mà dường như thượng đế đã quyết định giao cho ngay từ lúc lọt lòng. Và cho dù tôi đã để bản thân phạm phải điều cấm kị kia, thì nó cũng chẳng mảy may ảnh hưởng đến kết quả của quá trình. Tôi có thể bước qua nó, nhưng như vậy sẽ tốn khá nhiều thời giờ và công sức, bởi thế, tôi giữ nó bên mình, những sai lầm ấy mà, sẽ chẳng ai biết khi bạn gói ghém chúng cẩn thận với bản lĩnh của người thuyết khách chuyên nghiệp. Từ trước đến nay, không một ai biết sự thật khi tôi nói dối, trừ trường hợp tôi cố tình mở hờ cánh cổng nhỏ cho một ít kẻ thông minh có tu dưỡng nào đấy.

Hẳn lúc này bạn sẽ háo hức muốn biết tôi đã làm điều sai sót gì trong suốt quá trình từ thuở khởi sự thành công của mình. Đó là một ngày đầu thu mát lành cách đây hai năm, mà cũng có thể ngay cái lúc tám năm về trước-khi mùa xuân kết thúc trên những cánh hồng manh mảnh, và trong những bức tranh tĩnh lặng của mình, tôi nhận ra luôn có sự xao động của gió.

Cloudless Sky

Tặng IL tất cả tôi trong Cloudless Sky,
như một sự sưởi ấm vốn hiện hữu ngoài cô ấy,
vốn chẳng thể chạm vào cô ấy,
nhưng sẽ bao bọc lấy cô ấy.


With love from your JK





Rating: K+
Category: romance, POV, spiritual, tragedy...
Status: Complete.
Summary: "Năm sáu tuổi, tôi được tặng một cuốn sách có tựa đề Hoàng tử bé. Đó là cuốn truyện mang hơi hướm cổ tích đầu tiên mà tôi đọc, và rồi chẳng biết từ khi nào, Saint Exupéry-người tạo nên chàng hoàng tử bé với những chiêm nghiệm về cuộc đời sâu thẳm-đi vào thế giới của tôi một cách dễ dàng...Bạn biết đấy, câu chuyện này, nó chẳng mang chút phong cách nào của tôi như những gì tôi đang thể hiện ở tại thời điểm hiện nay. Bởi cái thứ văn phong này quá sầu não và huyễn hoặc, tuy nhiên vào thời điểm tôi viết câu chuyện, nó đã diễn đạt thật nhất cũng như hoàn hảo nhất cảm xúc của tôi. Những người bạn thân bảo rằng tôi đã đọc quá nhiều sách của Saint Exupéry, ừ, thì đúng là như vậy. Rồi tôi dùng cái cách viết khiến tôi chìm đắm như vô thức trong đó để thể hiện những gì mình muốn thể hiện. Chẳng biết nó mang lại cho người đọc cảm giác gì, nhưng với tôi, nó lại thành công quá sức tưởng tượng trong việc làm hài lòng bản thân.
Chà,...thôi thì hãy cứ đọc nó như một cách thư giản khi bạn nhấm nháp tách caffelatte nóng hổi trong một ngày mưa rào..."

9 tháng 10, 2009

...and My Autumn

...Và tháng Chín của kí ức.



"Tôi gọi mùa thu nơi đây là những ngày cuối hè im lặng. Bởi sự thiếu "ồn ào" của những cơn nắng. Tháng Chín dường như chỉ là một khoảnh trời vô thực, giữa mùa mưa thâm trầm và mùa nắng rát bỏng, thì loại thời tiết không một nét đặc trưng này là nỗi mong chờ hiếm hoi. Ở nơi đây, tại thời điểm này-cũng tựa như nó bao nhiêu năm qua-là một cái trở mình khẽ khàng và ít phiền muộn; hệt như con người ở tuổi trung niên: nhìn lại mình, nhìn lại quá khứ, nhìn vào tương lai-với tâm thức bình tĩnh đến lạ kì trong nỗi muộn phiền của đối mặt và niềm tiếc rẻ của từ bỏ.


Chiều héo hắt nằm vắt gọn trên bậu cửa, ung dung nhấn chìm mình trong làn khỏi mỏng từ đống lá khô vừa mới đốt. Tĩnh mịch lạ kì!


Thu của tôi-có lẽ cũng sẽ tĩnh mịch như vậy. Đến một lúc nào đó, bước qua tuổi hai mươi, hoặc ba mươi, tôi sẽ biết Mùa Thu của mình.
Ngày 12 tháng Chín, năm 2001."

Blue

Tôi bắt đầu viết năm 14 tuổi. Và bây giờ tôi 22 tuổi.



Quãng thời gian tám năm tôi dùng để làm rất nhiều, rất nhiều việc. Trong đó viết lách chỉ là thứ yếu. Giống như một trò giải trí mang tính giảm căng thẳng. Nhưng bây giờ nhìn lại: từ Tôi của tám năm trước, trên một con đường tưởng chừng như quá chóng vánh-đến Tôi của bây giờ, là những kí ức rõ ràng đến đáng kinh ngạc-chúng ẩn hiện lẩn khuất trong mỗi câu chuyện tôi viết, khiến tôi mềm lòng và thật dễ lay động.
Đôi lúc bận rộn làm tôi thực rất muốn từ bỏ những kí ức của mình. Nhưng rồi tôi lại tiếc rẻ, lại không nỡ, và lại viết.


Bạn là một người đi ngang qua. Cũng có thể chúng ta đã biết nhau từ lâu lắm rồi. Điều đó không gây phiền nhiễu lắm cho cả tôi và bạn. Tôi là Louis, đó là cái tên tôi thích. Bạn cũng có thể gọi tôi là Jane, nếu đó là cái tên bạn thấy thích hơn.


Tất cả không là gì. Chẳng qua chỉ là vài thứ của tôi, của riêng tôi.


Huế, Tháng Mười, và mát dịu.