17 tháng 6, 2013

Mẹ hỏi khi nào thì về nhà. Ban đầu định tháng Tám, sau vì giáp năm bà ngoại nên về tháng Bảy tới đây. Mọi chuyện trôi qua một năm rồi, nó không phải là một việc có thể nói đến sự nguôi ngoai hay không. Hoặc ít ra, đối với tôi nó chính là như vậy. Cái chết của bà được báo trước, đã rất lâu rất lâu rồi, nên tôi thản nhiên chấp nhận nó, thậm chí có phần nhẹ nhõm cho mẹ - người suốt mười năm qua chưa từng có một giấc ngủ đúng nghĩa. Tôi chẳng thể ở bên chăm sóc bà, vì tôi còn nhỏ, phải đi học, và ích kỷ. Tôi yêu bà chứ, nhưng yêu mẹ tôi hơn nhiều. Đã có lúc tôi ghét kinh khủng sự chìu chuộng và mềm lòng mà mẹ dành cho bà, mặc kệ bà có yêu cầu vô lý đến đâu, có ngang bướng khó chịu đến đâu. Tôi biết bà sợ hãi, cô đơn, đau đớn vì bệnh tật,  trầm cảm vì bệnh lý suốt mười năm, cho đến khi bà trở nên lú lẫn, ngốc nghếch ương bướng và gây phiền nhiễu như một đứa trẻ. Nhưng vì chưa từng có ai mà tôi biết có thể sống với căn bệnh này suốt mười năm lại thoải mái như bà, vì không một ai ngoài mẹ tôi có thể chăm sóc một người toàn vẹn như vậy, và vì không một ai ở bên cạnh khả dĩ chia sẻ với bà, thậm chí bản thân tôi, nên tôi bực bội, đau lòng, cảm thấy nặng nề khủng khiếp. Mười năm cuộc đời, với một đứa trẻ như tôi, nó chẳng qua chỉ là một đoạn kí ức trưởng thành, nhưng với một người phụ nữ từ 51 tuổi đến 61 tuổi, là cả một đoạn đường dài của phí hoài, nuối tiếc, bào mòn sức khỏe. Mẹ có tiếc rẻ không? có chứ, hơn ai hết bà nuối tiếc, thở than, mệt nhoài. Nhưng cũng hơn ai hết, bà mặc kệ những nuối tiếc đó, mặc kệ mỏi mệt đến hao mòn, hy vọng bà ngoại sống lâu hơn ít nữa, một vài năm, thậm chí vài tháng hay vài ngày. Mẹ tôi - người phụ nữ đẹp như vậy, sang trọng và tự tin, thậm chí có phần tự phụ như vậy, qua mười năm trở nên bệnh tật liên miên, tóc bạc cả đầu. Mẹ 60 tuổi, tôi vẫn còn đi học, thật mỉa mai.

Bà ngoại mất vào một ngày nắng. Người ta bảo đó là ngày tốt, nhỏ bạn tôi cũng tổ chức đám cưới vào ngày hôm đó. Bà đi nhẹ nhàng, ít nhất cũng trông có vẻ như vậy, và tôi cũng hy vọng như vậy. Suốt một tháng tiêm truyền để giữ cho bà sống, mọi người trong gia đình tụ họp lại ở nhà. Tôi bây giờ thi thoảng sẽ nghe tiếng bà ư hử trong những giấc mơ, một đứa trẻ lớn xác đau đớn đòi hỏi và làm khổ người khác. Thú thật là ngoài bực bội ra, tôi thấy bà đáng yêu lắm. Bây giờ tôi ngủ ngon hơn, chẳng bao giờ phải thức dậy giữa đêm để dỗ dành bà ngủ tiếp, hoặc cho bà đi vệ sinh. Đống tã giấy và khăn lau ngày nào cũng giặt đã trở thành thứ gì đó xa xôi lắm, tựa như cuộc sống của kiếp khác. Và điều đó vào một trong những đêm mất ngủ, khiến tôi òa khóc. Nỗi nhớ là thứ gì đó khắc rất sâu trong tiềm thức. Cũng có thể vì kí ức trong tôi là thứ mà, vô cùng chết tiệt, không thể cố ý loại bỏ ra khỏi đầu mình. Biết trước bà sẽ mất đi, sẽ vùi lấp thân thể dưới nền đất lạnh giá, sẽ tan rữa theo thời gian, sẽ phải chấp nhận tất cả hiện thực này, vậy mà vẫn cảm giác linh hồn như bị xé ra một mảnh. Tựa như cái ngày rất lâu về trước, tôi đứng nhìn bầu trời mưa rỉ rích, bên cạnh người ta hạ quan tài ông ngoại xuống huyệt, cảm thấy mọi âm thanh than khóc ngưng bặt trong một khắc, cái khoảnh khắc tôi nghĩ đến rồi thân thể ông sẽ tan rữa trong đất. Bàn tay chải tóc cho tôi, mái tóc hoa râm chúng tôi hay nghịch, cái bụng lớn tôi thích nằm úp lên, rồi sẽ chẳng còn lại gì nữa. Người đàn ông to lớn và nghịch ngợm của tôi, người đàn ông duy nhất trong thế giới của tôi, yêu thương và cưng chìu tôi, bày những trò nghịch ngợm cho chúng tôi chơi, thích quay phim chụp ảnh, thích ăn cá chình, uống bia, có một chiếc radio nhỏ đặt trên bàn, mặc những chiếc áo ba lổ trắng vào mùa hè, mặc pijama sẫm màu mùa đông, chở tôi trên chiếc xe máy cổ lổ đi tắm biển, lâu lâu sẽ quay lại dặn tôi giữ chặt yên xe, dạy tôi phát âm âm "st" của từ "best", cố tình xỏ hai chân vào một ống quần cho em gái nhỏ của chúng tôi, đi ra ngoài sẽ mang kính râm và đội một chiếc mũ lưỡi trai màu xanh có lưới phía sau... 

Tôi quả thật đã nhớ quá nhiều rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét